Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Môi giới BĐS và những câu chuyện cười ra nước mắt

Môi giới địa ốc là nghề có rất nhiều cơ hội về tiền bạc nhưng cũng không ít thách thức. Đằng sau những bộ vest sang trọng và lịch lãm là vô vàn những câu chuyện “cười ra nước mắt”, khiến họ phải bỏ nghề khi chưa tới đỉnh vinh quang.

Chảy máu vì giành khách
Câu chuyện đầy bức xúc vừa được Facebooker Linh Le chia sẻ nhận được sự đồng cảm của rất nhiều người môi giới bất động sản. Facebooker này kể về một thực tế đã và đang diễn ra: “Mấy em làm môi giới mà không lo học tập cách để tìm khách hàng chân chính, mà đi đứng ở bãi giữ xe, cổng căn hộ, lễ tân, ngồi dập dìu ở công viên, đứng đường để thấy khách của môi giới khác tiếp xong rồi chạy đến bắt khách, hỏi làm quen, lấy số điện thoại, rồi chào những căn mình có, có trường hợp đi cướp khách trắng trợn luôn”.
Facebooker Linh Le tỏ ra rất bức xúc: “Môi giới chẳng có trình độ, cũng chẳng có kĩ năng nghề nghiệp ngoại trừ giựt khách, nổ là những kỹ năng mà họ nghĩ rằng họ giỏi, họ đủ tự cao, hãnh diện vì kiếm được nhiều tiền từ cái việc cướp khách, giựt khách của những môi giới làm chân chính. Thử hỏi đạo đức nghề nghiệp nằm ở đâu? Nếu ai cũng nghĩ như họ thì môi giới ngồi đống đống, lớp lớp tại căn hộ để giựt khách y như mấy con cò đói lã, ai cũng làm vậy thì nhục cả đám”.
Sau những bộ vest lịch làm là nhiều câu chuyên buồn của nghề môi giới.
Nhiều môi giới khác sau khi nghe câu chuyện này cũng thở dài ngán ngẩm vì sự việc diễn ra “như cơm bữa”. Họ cho rằng một người có tri thức, có đẳng cấp, có tầm nhìn, có danh dự, có đạo đức nghề nghiệp và xem nghề môi giới là nghiêm túc thì không ai hành động như thế.
Câu chuyện này giống như một bức tranh thu nhỏ về nghề môi giới địa ốc, ngay lập tức hàng loạt tình huống khác cùng được những người làm nghề này “kể lể”. Một môi giới tên T. kể với phóng viên rằng: “Ôi dào chuyện giành khách là thường ngày rồi, tuần trước, cũng vì giành khách mà 2 sale của sàn PAL choảng nhau chảy máu mồm, anh em phải vất vả lắm mới ngăn cản được”.
Tuy nhiên, nói đến đạo đức là rất khó, vì hầu hết những môi giới đều là người trẻ cần tiền. Dù được hướng dạy đạo đức nghề sale và cách kiếm tiền, nhưng bởi lẽ cái bóng tiền lớn quá nó đè cái bao tử nên bất chấp.
Bị xù tiền
Một câu chuyện khác mà dân môi giới cũng thường xuyên gặp phải đó là việc bị “xù tiền hoa hồng môi giới”. Sàn giao dịch bất động sản của Hoàng Nguyễn (khu vực Q.7, TP.HCM) chuyên về lĩnh vực nhà cho thuê, nên nhân viên của anh chủ yếu là tìm khách thuê, nhận tiền hoa hồng môi giới từ chủ nhà.
Tâm sự với chúng tôi, anh Hoàng Nguyễn kể: “Cái nghề môi giới nhà đất này nó bạc lắm em. Cứ ít ngày anh lại thấy vài đứa nhân viên của mình về mếu máo, ấm ức kể lể bị chủ nhà xù tiền hoa hồng”. Chúng tôi thắc mắc thì được anh Nguyễn kể tiếp: “Nhân viên của anh dẫn khách đi xem nhà, chủ nhà hứa, nếu ký hợp đồng từ một năm trở lên, chủ nhà sẽ cho 1 tháng phí. Bọn anh dẫn khách đến, chủ nhà treo biển, thế là khách và chủ nhà lấy số điện thoại của nhau qua mặt bọn anh luôn. Anh nghi ngờ gọi hỏi khách và chủ nhà họ chối bay. Nhưng cuộc sống có nhiều chuyện không ngờ, vị khách thuê đó, sau 2 tháng gọi lại báo đã thuê chính căn hộ đó. Giờ đòi phí chủ nhà lại đòi không được”.
Anh Hùng Hải (một nhân viên môi giới tại Q. Bình Thạnh) nhớ lại, mới 3 tháng trước anh còn làm việc cho một sàn giao dịch địa ốc có tiếng ở Sài Gòn nhưng giờ lại đang “vật vờ” tìm công ty khác. Anh Hải kể, lý do bị đuổi là vì cả 3 tháng tôi không tìm được khách hàng nào. Tâm lý không tìm được khách hàng và “lọt” vào danh sách “chuẩn bị bị đuổi” của công ty khiến không ít môi giới “bạc cả tóc” và nhiều khi phải tìm mọi cách để dụ khách hàng, điều này dẫn tới những câu chuyện và tính huống oái ăm của nghề môi giới.
Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản có tiếng ở khu Nam Sài Gòn cho rằng: “Để bước chân vào nghề môi giới bất động sản, điều đầu tiên cần phải có là kiến thức. Kiến thức ở đây tôi muốn nói không chỉ riêng ở mảng bất động sản mà bạn còn phải có một nền tảng kiến thức về chính trị, xã hội vững, có như vậy thì bạn mới tự tin khi đối diện với khách hàng. Đối với đồng nghiệp cần sự tôn trọng lẫn nhau, cần đề cao tính tự lập”.
Vị CEO này nêu quan điểm: "Chặng đường đi đến thành công trong lĩnh vực bất động sản đầy gian nan và vất vả. Phải chịu nhiều thách thức đôi khi là cả những tủi nhục. Chính những chua chát nhận được cũng là phần tất yếu phải vượt qua để đi đến thành công, ai không chịu nổi thì bỏ cuộc thôi".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét